
Có một lần cũng lâu lắm rồi, lúc còn ở Hà Nội, tôi đến thăm ông bà, bà có đưa ra tờ báo Mực Tím có bài viết của em Thi em họ tôi viết về ông ngoại của Thi, tức là ông nội của tớ. Nội dung cũng không có gì đặc biệt, tôi chỉ nhớ đoạn kết Thi kể hồi bé ngủ trưa hay được ông hát ru một bài có mấy câu "Ngày ngày đi học chiều chiều đi chơi". Lúc nãy trong lúc ngồi soạn profile cho blogspot, chả hiểu sao tôi lại nhớ đến câu này, buzz hỏi Thi trên yahoo messenger thì nó không nhớ, mà google cũng chẳng ra... Tự nhiên lại nhớ đến ông nội, thế là viết mấy dòng này.
Từ năm lớp 4, mỗi tuần tôi đi học tiếng Anh hai buổi ở cung thiếu nhi, hình như là sáng thứ năm với chủ nhật, học xong là đi bộ lững thững từ Bờ Hồ về nhà ông bà , rồi chơi ở nhà ông bà chờ mẹ đến đón buổi chiều tối. Nhà ở cái ngõ bé tí ở Hàng Bạc, dắt được cái xe máy hay xe đạp vào là cả một vấn đề. Về đến nhà, rửa mặt bằng mấy cái khăn phơi ở sân sau xong là trèo tót lên giường phòng ngoài xem ông dậy đàn.
Ông dậy kiểu cổ điển gì đấy, ngày nào nghe riết cũng thấy có từng đấy bài, nào là Làng tôi, rồi Đôi bờ, ở mấy lớp cao hơn nữa thì Thư gửi Elise với cả Romeo and Juliet. Chân ông nhịp theo đàn, mắt ông nh ìn th ẳng, thoạt trông cứ như nhìn vào bản nhạc trước mặt mà hình như không phải, miệng thì "rê đồ mi, phá mi rề". Hồi đấy ông còn khỏe lắm, ngày nào cũng phải dậy 2,3 lớp, nhà lúc nào cũng tưng bừng rê đồ mi. Trong nhà treo đầy đàn ghi ta, từ bé đến lớn, trên gác xếp cũng để đàn. Tôi thích nhất cái đàn bé tí treo ở gần cửa, suốt ngày lấy xuống gẩy tưng tưng. Ấy thế mà chả bao giờ học được cái gì, năm cấp 2 tôi cố gắng nhất vì đi học cùng với bạn Chi (nên phải thi đua), mà cuối cùng cũng chỉ được 2 tháng bật bông được hết Làng tôi với Đôi bờ , còn khi bắt đầu phải tập hợp âm rồi khó quá cũng bỏ, đành bỏ bạn Chi đạp xe một mình lên Hàng Bạc, chả hiểu về sau bạn đánh được đến bài nào.
Các cháu trong nhà toàn bảo sao ông dậy bao nhiêu thế hệ học trò mấy chục năm, mà sao toàn bó tay với các cháu. Ngoài thằng Quang thì tất cả lũ cháu nội ngoại còn lại của ông đều mù nhạc. Bù lại, chiều chiều ông hay dắt tay lũ cháu ra chơi Bờ Hồ. Ngày nào ông cũng đi bộ 2 vòng Bờ Hồ, vì thế mà hơn 80 tuổi rồi ông vẫn khỏe, cách đây 2,3 năm vẫn dậy đàn "cho vui" một tuần 1,2 buổi. Buổi chiều về bao giờ cũng có tiết mục đi qua ngã tư Đinh Liệt mua xổ số. Trong lúc ông chọn số thì cháu dán mắt lên cái bảng báo ở trên tường, đọc từ báo Nhân Dân đến Hà Nội mới. Rồi đến 6 giờ là cả nhà làm gì thì làm cũng đều mở ti vi lên xem Đài Hà Nội để mua so xổ số với ông. Trong mấy chục năm, ngày nào ông cũng mua xổ số, mà chỉ trúng có 2 lần, một lần giải nhì từ những năm 70, còn một lần là giải năm lúc tôi học cấp 1 đầu cấp 2 gì đó. Từ đấy đên giờ mưới mấy năm đến thăm ông cháu cũng quên không còn hỏi ông còn mua xổ số hay có trúng thêm giải nào không.
Vài năm trước, VTV có chương trình Dấu ấn thời gian chuyên nói về các bài hát tiền chiến. Lớp nhạc sĩ cùng thời với ông đã đi cả, chỉ còn ông với nhạc sĩ Phạm Duy, và ca sĩ Ngọc Bảo. Phạm Duy thì ở nước ngoài, nên VTV tích cực mời ông, chương trình về ông và ông Ngọc Bảo đã đành, mà chương trình về Nguyễn Văn Tí, Văn Cao cũng thấy ông phát biểu. Ông hơn 80, giọng vẫn ấm, vẫn đánh guitar Hawai say sưa. Có hồi ai cũng bảo cứ bật ti vi lên là thấy ông . Sau bà sợ ông mệt nên không cho đi nữa, đến các nhà báo đến xin nói chuyện bà cũng cấm cửa. Ông cũng bảo, có gì để viết nữa đâu, người ta viết hết cả rồi.
Cả đời ông chỉ sang tác tầm 20 bài hát, chỉ có 3,4 bài được nhiều người biết, mà những bài hát ẩy cũng ai ngờ lại là nỗi oan khuất của nửa đời ông và là bao nỗi khổ của vợ con ông. Mấy chục năm những bài hát ông sang tác đều chẳng được lưu hành, ông cũng chẳng có chỗ nào chịu nhận. Bốn đứa con ăn học chỉ trông vào những những cây đàn treo khắp căn nhà nhỏ bé, những Làng tôi, Đôi bờ, Thư gửi Elise… Ánh mắt say sưa của ông, giọng hát nồng ấm của ông khi đã qua tuổi 80, nhiều khi tôi cứ nghĩ là để bù lại cho những năm tháng lặng câm chỉ có niềm vui trông ngóng so xổ số mỗi buổi chiều.
Năm nay ông tôi đã hơn 85 tuổi, đã lên chức cụ năm ngoái lúc em Thi tôi sinh con gái. Vài năm nay tay ông đã run, không còn dậy đàn nữa, nhưng ông vẫn minh mẫn lắm. Có điều ông ít nói, mỗi năm tôi chỉ về Hà Nội một, hai lần, cũng chỉ chạy tạt qua thăm ông bà chút xíu rồi đi, ông cũng chỉ hỏi vài câu.
Có lần tôi google, mới thấy trên wikipedia ông hồi trẻ còn thích đánh bóng bàn, còn cụ thân sinh ra ông, tức là cụ của tôi ngày xưa cũng có chơi đàn nhưng cụ giỏi nhất lại là môn quyền anh, làm đến tận chức Chủ tịch Liên đoàn quyền anh Đông Dương.
Các cháu Tết về ngồi ăn một bữa cơm với ông bà, xong lại kéo nhau ra café tán chuyện. “Ai dà, sao các cụ nhà mình chăm chỉ thể thao rồi giỏi giang đàn hát, mà cháu chắt đứa nào cũng vừa èo uột vừa điếc nhạc thế này…”.